Thủ tục chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp

THỦ TỤC CHUYỂN KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI THÀNH VỐN GÓP

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển để theo kịp xu thế toàn cầu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ở Việt Nam phải có nguồn vốn đủ lớn để thực hiện dự án đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ vốn mà phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Một trong những nguồn vốn mà doanh nghiệp hiện nay quan tâm là khoản vay vốn nước ngoài từ công ty mẹ, từ nhà đầu tư đang là nhà đầu tư hiện hữu của doanh nghiệp hoặc từ một chủ thể khác. Theo thỏa thuận vay vốn thông thường, khi đến hạn trả khoản vay thì bên đi vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ và kèm theo lãi suất, tuy nhiên không phải lúc nào bên đi vay cũng có thể thực hiện nghĩa vụ theo đúng hạn. Trong trường hợp này, pháp luật Việt Nam cho phép bên đi vay và bên cho vay thỏa thuận chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp trong công ty.

 

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cơ bản về bản chất của chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp và trình tự, thủ tục của việc chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.

 

1. Bản chất của chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp

Theo hợp đồng vay mà các bên thỏa thuận thì khi đến thời hạn thanh toán khoản vay thì bên đi vay sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ và kèm theo lãi suất bằng cách chuyển khoản tiền vào tài khoản DICA (tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài đã đăng ký khi thực hiện khoản vay. Tuy nhiên, vì một số lý do mà bên đi vay không thể trả khoản vay khi đến hạn, thì theo pháp luật hiện hành cho phép các bên chuyển khoản vay đó thành vốn góp công ty.

Xét về bên cho vay thì bên cho vay sẽ trở thành thành viên công ty/cổ đông có sỡ hữu vốn góp/cổ phần trong công ty tương ứng với khoản cho vay hoặc tăng tỷ lệ góp vốn trong công ty nếu đã là thành viên/cổ đông hiện hữu của công ty. Xét về bên vay, vốn điều lệ công ty sẽ được tăng lên bằng một khoản vay nước ngoài đồng thời bên đi vay sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ sở hữu vốn góp/cổ phần của các thành viên/cổ đông công ty sẽ thay đổi vì vốn điều lệ công ty tăng lên đồng thời kết nạp thêm thành viên/cổ đông mới.

 

2. Trình tự, thủ tục chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp

Khoản vay nước ngoài được bên vay và bên cho vay thỏa thuận chuyển thành vốn góp trong công ty thì sẽ phát sinh thủ tục giữa hai bên, thủ tục nội bộ trong công ty và thủ tục đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền: (i) Thủ tục giữa hai bên là thỏa thuận chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp (thỏa thuận thể hiện dưới hình thức văn bản); (ii) Thủ tục nội bộ trong công ty là thủ tục tổ chức cuộc họp và người có thẩm quyền đưa ra quyết định về việc tăng thêm vốn điều lệ, kết nạp thành viên/cổ đông; (iii) Thủ tục với cơ quan nhà nước bao gồm thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bải viết sẽ tập trung vào những thủ tục bắt buộc doanh nghiệp (bên vay) và bên cho vay phải thực hiện đối với cơ quan nhà nước.

  1. 1: Bên cho vay (nhà đầu tư nước ngoài) phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế (doanh nghiệp đi vay) nếu rơi vào trường hợp phải thực hiện thủ tục này theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020.
  2. 2: Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp đi vay) thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở về việc tăng vốn điều lệ công ty, thay đổi tỉ lệ sở hữu vốn góp của thành viên (đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn), kết nạp thêm thành viên mới (nếu có – đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn) hoặc thay đổi loại hình doanh nghiệp trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển khoản vay thành vốn góp.
  3. 3: Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp đi vay) thực hiện thủ tục xin cấp/thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khu công nghiệp….(tùy vào quy mô của dự án đầu tư).
  • Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu tổ chức tinh tế (doanh nghiệp đi vay) thuộc trường hợp bắt buộc phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi có nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn góp/cổ phần trong công ty theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020;
  • Thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu tổ chức kinh tế đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước đó, nội dung điều chỉnh bao gồm: thông tin nhà đầu tư (trong trường hợp kết nạp thêm thành viên vốn đầu tư dự án, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư.
  1. 4: Thông báo/Báo cáo/Đăng ký thay đổi hình thức trả nợ khoản vay nước ngoài (thay đổi sang hình thức chuyển thành vốn góp), cụ thể:
  • Khoản vay không thuộc trường hợp phải đăng ký: Báo cáo bằng văn bản hoặc hoặc trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thay đổi hình thức trả nợ khoản vay. Thông thường trên thực tế thì báo cáo về việc thay đổi hình thức trả nợ sẽ được đề cập vào nội dung báo quý mà bên vay phải thực hiện.
  • Khoản vay thuộc trường hợp đăng ký: Thông báo bằng văn bản về việc thay đổi hình thức trả nợ khoản vay cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản vay đối với việc thay đổi kế hoạch trả nợ trong phạm vi 10 ngày so với kế hoạch trả nợ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận trước đó. Trong trường hợp vượt quá phạm vi 10 ngày thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi khoản vay với Ngân hàng nhà nước.

 

3. Một số lưu ý khi chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp

  • Đối với doanh nghiệp đang hoạt động ngành nghề mà theo quy định của pháp luật mà thuộc ngành nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài – điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp phải xem xét tỷ lệ cụ thể để từ đó hai bên sẽ có những thỏa thuận hợp lý để tránh trường hợp bị từ chối việc góp vốn/mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền;
  • Trên thực tế, các cơ quan nhà nước sẽ có những quy định, hướng dẫn khác nhau đối với các thủ tục nêu trên liên quan đến thành phần hồ sơ, trình tự, doanh nghiệp nên liên hệ hỏi trước khi thực hiện thủ tục.

 

Trên đây là những thủ tục cơ bản cần phải thực hiện khi bên vay và bên cho vay thỏa thuận chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp trong công ty (bên vay) và một số lưu ý liên quan đến hoạt động chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Để được hỗ trợ thêm thông tin, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 0945 929 727 hoặc email: info@glawvn.com.