Phân loại Phân Bón và Thủ tục nhập khẩu Phân Bón

PHÂN LOẠI CÁC LOẠI PHÂN BÓN HIỆN HÀNH

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất thông qua rễ hoặc lá giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Trên thị trường phân bón hiện nay, thành phần cũng như tên gọi phân bón rất đa dạng. Bình thường chúng ta dựa vào 2 yếu tố để phân loại các nhóm phân bón: 

I. DỰA VÀO NGUỒN GỐC NGUYÊN LIỆU VÀ QUY TRÌNH SẢN XUẤT

Với yếu tố này chúng ta có thể chia phân bón làm 3 loại sau:

  • Phân bón hóa học (phân bón vô cơ): gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng, chức năng hoặc chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
  • Phân bón hữu cơ: gồm những loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
  • Phân bón sinh học: gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axit humic, axit fulvic, axit amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

II. DỰA VÀO PHƯƠNG THỨC SỬ DỤNG

Các cách dùng khác nhau thì mọi người hay chi phân bón ra làm các loại như:

  • Phân bón lá: là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón hữu cơ, vô cơ, sinh học sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.
  • Phân bón rễ: là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón hữu cơ, vô cơ, sinh học được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.

 

THỦ TỤC CÔNG NHẬN LƯU HÀNH PHÂN BÓN PHẢI KHẢO NGHIỆM

Đối với các cơ quan nhà nước, trong lúc làm: thủ tục nhập khẩu phân bón, Nhà nước sẽ phân loại phân bón theo nguồn gốc nguyên liệu và quy trình sản xuất. Phân bón là sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2 – kinh doanh có điều kiện được Cục Bảo vệ thực vật công nhận lưu hành tại Việt Nam.

Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 01 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký. Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành tại Việt Nam trừ các loại phân bón dưới đây không phải thực hiện khảo nghiệm:

  1. Phân bón hữu cơ (sử dụng bón rễ).
  2. Phân bón vô cơ đơn (sử dụng bón rễ và thành phần phải tuân theo quy định của pháp luật).
  3. Phân bón vô cơ phức hợp (sử dụng bón rễ và thành phần phải tuân theo quy định của pháp luật).
  4. Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
  5. Trường hợp phân bón được nhập khẩu từ nước ngoài về cần làm thêm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu để khảo nghiệm đối với phân nhóm phân bón phải thực hiện khảo nghiệm.

 

I. XIN GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU PHÂN BÓN ĐỂ KHẢO NGHIỆM

  • Nơi cấp: Cục Bảo vệ thực vật.
  • Thời gian thực hiện: 30 ngày làm việc .
  • Hồ sơ cần chuẩn bị:
    • Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón.
    • Bản sao hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
    • Tờ khai kỹ thuật (Lưu ý: lượng phân bón được sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm được xác định dựa trên liều lượng bón cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón).
    • Bản tiếng nước ngoài kèm bản dịch sang Tiếng Việt: chỉ tiêu chất lượng, công dụng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế trong phân bón.
    • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of free sale- CFS) do nước xuất khẩu cấp.

II. KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN

  • Nơi thực hiện khảo nghiệm: Trung tâm thực hiện khảo nghiệm được cấp phép thực hiện.
  • Sau khi có Giấy phép nhập khẩu phân bón, doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng với Trung tâm khảo nghiệm. Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được thực hiện sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.
  • Thời gian thực nghiệm trên cây: 03 tháng trên cây rau hoặc 01 năm trên cây ăn quả, cây công nghiệp.

III. CÔNG NHẬN PHÂN BÓN LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM

  • Thời gian thực hiện: 03 tháng.
  • Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị:
    • Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
    • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) của phân bón dự định nhập khẩu.
    • Bản thông tin chung về thành phần phân bón.
    • Báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón.
    • Mẫu nhãn phân bón.

=> Quyết định có thời hạn 05 năm, trước khi hết thời hạn 03 tháng phải thực hiện công nhận lại.

Lưu ý:

– Phân bón không được công nhận lưu hành trong những trường hợp sau đây:

– Có bằng chứng khoa học mới về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;

– Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đã được công nhận lưu hành.

  • Hình thức công nhận:
    • Công nhận lần đầu: phân bón được nghiên cứu hoặc được tạo ra trong nước; nhập khẩu phân bón lần đầu vào Việt Nam.
    • Công nhận lại: thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quyết định Công nhận lưu hành phân bón lưu hành, quyết định công nhận lưu hành phân bón bị mất, hỏng, thay đổi tên phân bón theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của tòa án trong trường hợp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

 

Ngoài ra, công ty Luật Glaw Vietnam chuyên tư vấn thủ tục nhập khẩu phân bón. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu nhập khẩu phân bón hoặc muốn tìm hiểu thêm về thủ tục có thể liên hệ Hotline: 0945.929.727 hoặc email: info@glawvn.com.